1800 6786
Youtube 'bắt tay' Shopee, cạnh tranh TikTok Shop
20/09/2024

Youtube hợp tác cùng Shopee ra mắt tính năng Youtube Shopping cho phép người dùng Youtube mua hàng thông qua các đường link Shopee gắn trên video của Youtube.



Reuters mới đây cho biết, Youtube, nền tảng video trực tuyến thuộc sở hữu của Alphabet đã "bắt tay" sàn thương mại điện tử nổi tiếng Shopee ra mắt dịch vụ mua sắm trực tuyến tại Indonesia với tên gọi Youtube Shopping và kế hoạch sẽ mở rộng sang khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, người dùng sắp tới có thể mua hàng trên Youtube thông qua các đường link Shopee. Lãnh đạo hai nền tảng này tiết lộ họ đang có dự định mở rộng dịch vụ này sang Thái Lan và Việt Nam trong vài tuần tới. Hiện YouTube Shopping đã hoạt động tại Hàn Quốc và Hoa Kỳ.



Trả lời báo chí quốc tế, Giám đốc châu Á - Thái Bình Dương của Youtube, Ajay Vidyasagar nhận định, "sự phát triển mạnh mẽ và tốc độ mua sắm trực tuyến" của Indonesia chính là động lực thúc đẩy việc ra mắt.

Nên biết, Indonesia cũng là địa bàn quan trọng của TikTok khi thương hiệu thuộc sở hữu của Bytedance đã "thâu tóm" sàn thương mại điện tử lớn nhất quốc gia này là Tokopedia.

Dù không tiết lộ giá trị thương vụ hợp tác, nhưng Vidyasagar cho biết đó là con số rất lớn. Ông cũng cho biết dịch vụ này sẽ được mở rộng cho các đối tác khác ngoài Shopee theo từng giai đoạn.

Theo tìm hiểu, YouTube đã giới thiệu tính năng "Shopping on YouTube" (Bán hàng trên YouTube) tại Việt Nam từ đầu tháng 9. Ứng dụng cho phép người sáng tạo nội dung liên kết sản phẩm từ Shopee trực tiếp vào video của họ.

Một chuyên gia marketing cho biết, động thái này có thể coi là bước ngoặt trong sự phát triển của Youtube cũng như Shopee trong nỗ lực hạn chế sự bành trướng của TikTok Shop.

"Tính năng này hoạt động tương tự như "gắn giỏ hàng" của TikTok Shop, nhưng chỉ chấp nhận sản phẩm từ Shopee. Khi áp dụng tính năng nay, người dùng sẽ được hiển thị sản phẩm trực quan và thuận tiện hơn so với cách gắn link trong phần mô tả video. Giao diện trang kênh cũng sẽ có thêm mục "cửa hàng", giúp người xem dễ dàng tìm kiếm tất cả sản phẩm được quảng bá", vị này phân tích.

Vị này nói thêm: "Youtube sở hữu lượng người dùng khổng lồ, nhưng trước giờ nền tảng này dường như bỏ quên "mỏ vàng" thương mại điện tử mà chủ yếu kiếm tiền từ quảng cáo và đăng ký thành viên. Với động thái này, có thể thấy Youtube đã nhận ra hạn chế và cố gắng bắt kịph xu hướng tích hợp thương mại điện tử vào nền tảng video ngắn. Trong khi Shopee, dù vẫn giữ vững phong độ là người dẫn đầu thương mại điện tử nhưng đang bị TikTok Shop phả hơi nóng. Hai gã khổng lồ này kết hợp sẽ có nhiều điều thú vị và đáng chờ đợi. Nhưng nên nhớ rằng, tính năng gắn link đơn hàng khắp nơi của Shopee đang nhận được nhiều phản hồi không mấy tích cực từ người dùng. Vậy nên sự kết hợp này, về cơ bản còn cần xem xét nhiều yếu tố, như cải thiện tính năng, vận chuyển, đổi trả hàng... mới biết được".

Một thống kê của Momentum Works gần đây cho thấy giá trị hàng hóa mua sắm trên TikTok Shop năm 2023 tại Đông Nam Á đã đạt tới 16,3 tỉ USD, tăng gần 4 lần so với năm trước. Đưa TikTok Shop trở thành nền tảng lớn thứ hai trong khu vực, chỉ sau Shopee.

Khu vực Đông Nam Á có gần 700 triệu dân là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất thế giới. 8 nền tảng TMĐT lớn nhất Đông Nam Á đã đạt tổng giá trị hàng hóa gộp là 114,6 tỷ USD vào năm 2023, tăng 15% so với năm 2022.

Tại Việt Nam, dữ liệu từ báo cáo quý II/2024 của YouNet ECI chỉ ra, người tiêu dùng chi 87.370 tỷ đồng mua sắm trên 4 sàn thương mại điện tử đa ngành lớn nhất Việt Nam quý II/2024 gồm: Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki, tăng 10,4% so với quý I.



Trong đó, riêng tổng giao dịch của Shopee đạt 62.380 tỷ đồng, chiếm đến 71,4% thị phần. Xếp thứ hai là TikTok Shop với 19.240 tỷ đồng, tương đương 22%.

Tổng giá trị hai sàn còn lại như Lazada và Tiki lần lượt là 5.160 tỉ đồng (5,9%) và 584 tỷ đồng (0,7%). Luỹ kế 6 tháng đầu năm, tổng giao dịch của Shopee lên đến 116.120 tỷ đồng, chiếm 69,7% trong khi Tiktok là 37.600 tỷ đồng, chiếm 22,6%.

Theo Nhà Đầu tư